Thiền Trà
Mục đích: Uống trà để trực nhận Chân Tâm
Thiền trà là một cách tu tập thiền định, diễn bày sự thanh tịnh, tĩnh lặng của bản hữu Chân Tâm qua phương tiện thiện xảo là trà.
Chân Tâm là tâm tuyệt đối mà bản chất vốn trong sạch, thanh tịnh, không chút cặn bã, bụi nhơ. Bản chất thanh tịnh tuyệt đối này hòa nhập trong vũ trụ tương đối nhưng chúng ta không cảm nhận được. Chân tâm tuyệt đối thì ví như không gian mà chúng ta đang sống; nhưng vì ta quá quen thuộc với nó nên không để ý tới sự hiện hữu của không gian.
Nội dung: Ý nghĩa của trà, nước, tách
Trong thiền trà thì Chân Tâm ví như nước trong.
Trà ví như tạp niệm, vọng tưởng, phiền não, buồn vui, giận lẫy... trăm ngàn loại cảm xúc, ngàn vạn thứ quan niệm tư tưởng khác biệt.
Chén trà, tách trà ví như thân thể; tách chén có khả năng chứa đựng nước trà thì thân thể có khả năng hàm chứa Chân Tâm và mọi kinh nghiệm của tâm tình, trí thức.
Nước trong và trà hòa điệu để tạo thành nước trà. Nước trà ấy, tuy chỉ có một loại nước trong, nhưng vì có trăm ngàn loại trà nên ta có trăm ngàn hương vị, tùy theo từng loại trà. Cũng thế, Chân Tâm là một nhưng vọng tưởng vọng tình thì muôn vàn. Ta chỉ cảm thấu vọng tưởng vọng tình mà không sao thể nghiệm Chân Tâm.
Bởi thế, thiền trà giúp ta cảm nhận lại Chân Tâm.
Trà sư: Cách mời trà
Vị trà sư giúp ta cảm nhận được Chân Tâm bằng cách bản thân họ im lặng, lắng dừng mọi tạp niệm, chuyên chú vào hơi thở, an nhiên trong từng cử chỉ, để tạo ra một bầu không khí thanh thản, trang nghiêm, tĩnh lặng khiến trà khách cảm nghiệm được sự thanh tịnh nội tại. Nếu trà khách biết lắng dừng và biết sáng suốt chiếu soi nguồn tâm, thì trong một tích tắc, họ có thể trực nhận Chân Tâm.
Giây phút trực nhận Chân Tâm là giây phút huyền diệu vô cùng vì đó là giây phút mà không ai có thể đặt định, quản lý hoặc bắt buộc. Như đóa hoa mai nở lúc giao thừa nửa đêm, giây phút trực ngộ Chân Tâm là khoảnh khắc ta không thể nào rình đón được.
Vì giây phút trực ngộ Chân Tâm thật khó, nên thiền trà dùng một phương tiện thiện xảo vô cùng mà ai ai cũng làm được: uống trà!
Trà khách: Cách uống trà
Làm sao mà uống trà có thể trực ngộ Chân Tâm?
Trà khách sẽ được hướng dẫn ngồi yên lặng, chú tâm vào một đề tài quán tưởng nào đó. Có hai trường hợp có thể xảy ra:
Một, trà khách có tâm trong sáng, thấy rõ đề tài thiền quán, tức là vọng tưởng lắng dừng, ánh sáng nội tại chiếu soi. Khi đó, trà khách tiếp tục ngồi tĩnh lặng và được mời trà.
- Khi ta nâng tách trà lên uống thì cũng là lúc ta nhận tri tánh chất bất khả phân của nước và trà, của Chân tâm và tạp niệm.
- Khi uống trà vào, ta đem đối tượng trà và chủ thể ‘tôi’ hòa nhập làm một, đem Chân Tâm và tạp niệm tiêu dung trong tâm thức bao dung, sáng suốt. Như thế, hành động uống trà là hành động hợp nhất chủ thể và đối tượng, tiêu dung Chân và vọng.
Hai, trà khách có tâm đầy rối loạn với trăm ngàn vọng niệm, đủ thứ cảm xúc, đầu óc tối sầm hoặc lãng đãng bất định, thì đó là hiện tượng tạp niệm mạnh mẽ, lấn át sự nhận tri Chân Tâm thanh tịnh. Tuy nhiên, hiện tượng đó không có nghĩa là ta không có Chân Tâm thanh tịnh.
- Trong trường hợp này, trà khách đem tách trà để vào trong khay, để tượng hình triết lý: “Tôi đã nhận tri được tạp niệm, phiền não, ô nhiễm.” Sự nhận tri đó chính là trí huệ của Chân Tâm đó vậy!
- Bấy giờ trà sư sẽ rót trà vào tách. Trà khách nâng tách, uống vào để đem đối tượng trà và chủ thể ‘tôi’ hòa nhập làm một, tiêu dung tạp niệm và Chân Tâm.
Như thế, trà thiền là cách trực tiếp nhất, ngắn nhất để ta hiểu thế nào là Chân Tâm và tạp niệm, thế nào là tiêu dung bất nhị.